Chống gian lận ưu đãi thuế - Nhiều thách thức hơn khi thực hiện cam kết FTA

Thứ ba - 24/05/2016 17:20
Việc thực hiện cam kết theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra nhiều thách thức trong việc phòng ngừa hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng ưu đãi thuế.
Chống gian lận ưu đãi thuế - Nhiều thách thức hơn khi thực hiện cam kết FTA

Để rõ hơn về vấn đề này, PV TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thu Hương -Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

* PV: Thưa bà, việc cắt giảm thuế quan theo cam kết FTA và TPP sẽ tạo thuận lợi, mở rộng diện ưu đãi thuế nhập khẩu, song cũng đặt ra thách thức gia tăng gian lận C/O để được hưởng ưu đãi. Bà có thể cho biết về các khả năng gian lận C/O có thể xảy ra?

- Bà Trần Thị Thu Hương: Thực tế công tác phòng ngừa gian lận C/O được các cơ quan chức năng, trong đó có đơn vị quan tâm kiểm soát. Việc hợp tác giữa cơ quan hải quan và VCCI vẫn đảm bảo thường xuyên, hiệu quả thông qua hoạt động của Hội đồng Tư vấn, cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O. Trường hợp phát sinh vấn đề sẽ được Hội đồng Tư vấn cảnh báo và kịp thời đưa ra biện pháp ngăn chặn.

Gian lận thương mại qua C/O thường tập trung vào mặt hàng mà các nước xung quanh Việt Nam bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ... áp thuế chống bán phá giá hoặc các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Các mặt hàng này được chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam để hợp thức hoá các bộ hồ sơ về vận chuyển, sau đó làm giả chứng từ, hồ sơ để lô hàng này có xuất xứ tại Việt Nam.

Trước đây, cơ quan chống gian lận thương mại của EU (OLAF) đã có một số cảnh báo về hiện tượng C/O bị làm giả từ Việt Nam và C/O bị sửa chữa số lượng đối với hàng dệt may xuất khẩu sang EU. Thậm chí có nhiều trường hợp doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị DN nước ngoài mạo danh trên C/O giả để nhập khẩu hàng dệt may vào các nước EU để hưởng ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, sau khi VCCI phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra một loạt biện pháp, nên hiện tượng làm giả giấy xuất xứ, sửa chứng từ, số lượng và trị giá trên hóa đơn thương mại... đã được ngăn chặn.

* PV: Yêu cầu tiêu chuẩn để tham gia TPP là rất cao, DN Việt Nam không đáp ứng được sẽ xảy ra khả năng làm giả C/O để được hưởng ưu đãi, thưa bà?

- Bà Trần Thị Thu Hương: Gian lận C/O để được hưởng ưu đãi diễn ra rất tinh vi, khó lường, ngay cả các nước phát triển có hệ thống kiểm soát tốt cũng phải đối mặt với vấn nạn này.

Trên thực tế, không phải sản phẩm hàng hóa nào của DN Việt Nam cũng đáp ứng được yêu cầu ưu đãi vào thị trường EU. Trong khi đó, việc đáp ứng yêu cầu quy tắc hàng hóa của EU còn dễ đáp ứng hơn TPP rất nhiều.

TPP đưa ra yêu cầu quy tắc C/O rất cao trong thương mại nên các DN phải nỗ lực rất nhiều thì mới được hưởng ưu đãi. Ví dụ, TPP yêu cầu hàng may mặc Việt Nam phải được sản xuất từ sợi, do đó phải nhập bông về kéo thành sợi, để dệt ra vải. Trong khi đó, thị trường EU chỉ yêu cầu nhập sợi về dệt ra vải là được. 

Việc gian lận C/O không dễ vì các nước nhập khẩu kiểm tra kiểm soát rất chặt chẽ. DN xuất khẩu phải chứng minh được quy trình sản xuất của mình, có sự giám sát và kiểm tra của các tổ chức cấp chứng nhận C/O. Còn DN mua bán hàng hóa ở đâu để xuất khẩu phải xuất trình được chứng nhận thì các tổ chức cấp C/O mới xác nhận cho DN.

Hơn nữa, các nhà nhập khẩu hàng hóa nước ngoài cũng có sự kiểm tra, đánh giá quy trình sản xuất, khả năng đầu tư, phát triển, điều kiện lao động của công nhân của DN xuất khẩu. Trong quá trình này các nhà nhập khẩu hàng hóa sẽ tìm hiểu khả năng hoạt động của DN xuất khẩu có đáp ứng được yêu cầu C/O hay không.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc chống gian lận ưu đãi thuế qua xuất xứ hàng hóa sẽ nhiều thách thức hơn khi các FTA và TPP được thực hiện cùng với việc áp dụng ưu đãi thuế sâu rộng.

* PV: Với vai trò là cơ quan chứng nhận C/O, đơn vị quan tâm thực hiện những giải pháp nào để phòng ngừa gian lận?

- Bà Trần Thị Thu Hương: Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng một số giải pháp. Thứ nhất là thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ... áp thuế chống bán phá giá và áp với các nước nào để có biện pháp cảnh báo. Khi phát hiện ra những DN có các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp chống bán phá giá, hoặc đang tiến hành điều tra... VCCI sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra chặt chẽ với những DN này.

Thứ hai, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan rà soát các mặt hàng có nguy cơ cao gian lận thương mại ngay từ ban đầu khi DN xin cấp chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Việt Nam hoặc sẽ tư vấn và hướng dẫn cho DN để các sản phẩm của DN đáp ứng yêu cầu xuất xứ.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

TÀI TRỢ KIM CƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Tài trợ chính
Gửi câu hỏi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây