Cấm nhập máy móc, thiết bị cũ: Ai sẽ hưởng lợi?

Thứ hai - 04/07/2016 08:44
Ngày 1/7, Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cũ có tuổi đời trên 10 năm bắt đầu có hiệu lực. Trước nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng này để mở mang sản xuất, liệu những quy định trong thông tư có tạo rào cản cho doanh nghiệp và liệu hàng Trung Quốc có “ngư ông đắc lợi”?
Cấm nhập máy móc, thiết bị cũ: Ai sẽ hưởng lợi?

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính riêng 5 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đã đạt 10.59 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối các doanh nghiệp (DN) FDI nhập khẩu gần 5.79 tỷ USD, giảm 22,8%. Riêng khối các DN trong nước đã nhập khẩu đến 4.8 tỷ USD, tăng 22,9%.

Trung Quốc sẽ hưởng lợi?

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 5 tháng 2016 với trị giá là 3.56 tỷ USD. Tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc (2.14 tỷ USD), Nhật Bản (1.62 tỷ USD, giảm đến 24.9% so với 5 tháng 2015); Đài Loan (542 triệu USD, giảm 10,8%).

Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị nhìn chung có giảm, nhưng theo Bộ Công Thương, việc Việt Nam tham gia ký kết nhiều FTA, thu hút vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài của Việt Nam dẫn đến nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, máy móc còn cao, để mở mang sản xuất, đón đầu hội nhập.

Trước thực tế như vậy, việc triển khai những quy định của Thông tư 23/2015/TT-BKHCN về việc cấm nhập khẩu các máy móc, thiết bị cũ đang là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay. Nhất là các DN ngành cơ khí, do quy mô sản xuất nhỏ, có rất ít DN đầu tư mua máy mới, mà đa phần là mua thêm các máy móc đã qua sử dụng, nhưng chất lượng còn đảm bảo cho quá trình sản xuất.

Thông tư này vốn dĩ được xem là chủ trương của Chính phủ nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và tránh biến Việt Nam thành một bãi rác thải công nghệ trên thế giới.

Thế nhưng, những bất cập trong việc triển khai thông tư vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, cho dù từ ngày 1/7/2016, nó chính thức có hiệu lực.

Ngay Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp.HCM (JBAH) cũng đã từng cảnh báo rằng Thông tư 23 sẽ tạo rào cản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam và vi phạm Hiệp định Rào cản kỹ thuật tới thương mại (TBT) của WTO.

Về phía các DN cơ khí nội địa, nhận định “mặt trái” của thông tư này, chia sẻ thông tin với Thời báo Kinh Doanh, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện Tp.HCM (HMEE), cho biết việc quy định niên hạn không quá 10 năm, đồng nghĩa giảm 99% lượng máy nhập về Việt Nam do số máy trong vòng 10 năm chỉ chiếm 1% trên thị trường.

Theo dự đoán của ông Tống, điều đó đồng nghĩa là các DN sản xuất vừa và nhỏ buộc phải mua máy móc chất lượng thấp từ Trung Quốc mà không có sự lựa chọn khác. Bởi trên thực tế, có những loại máy móc xuất xứ từ Nhật Bản sản xuất cách đây 20 năm đến giờ vẫn chạy tốt. Ngược lại, cũng loại máy đó do Trung Quốc sản xuất khoảng một vài năm nhưng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu trục trặc, hư hao.

Do quy mô sản xuất nhỏ, có rất ít DN cơ khí đầu tư mua máy mới, đa phần là mua thêm các máy móc đã qua sử dụng.

Thông tư cứng nhắc

Nếu xảy ra tình huống như dự đoán của vị lãnh đạo HAMEE, liệu đây có phải là nguy cơ lặp lại như vài năm trước đây khi Việt Nam từng nhập khẩu ồ ạt xe ba bánh Trung Quốc sau khi có chủ trương cấm xe công nông, xe ba, bốn bánh tự chế?

Theo giới chuyên gia, với một số loại máy móc, thiết bị điện tử, niên hạn 10 năm là quá lạc hậu. Trong khi đó, các loại máy móc, cơ khí công nghệ cao, niên hạn 10 năm lại là quá ngắn.

Vì vậy, việc quy định niên hạn không quá 10 năm đối với tất cả máy móc, thiết bị thuộc các ngành nghề khác nhau là không hợp lý và thiếu cơ sở khoa học. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực có những đặc thù riêng, trong khi Thông tư 23 lại quy định chung cho tất cả ngành nghề một cách cứng nhắc.

Cũng theo ông Đỗ Phước Tống, cần phải hiểu rằng trong ngành cơ khí, các máy móc, thiết bị được sử dụng để chế tạo ra các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sản phẩm của các ngành khác. DN thường gọi các máy móc thiết bị này là máy cái, có giá trị đầu tư lớn, vòng đời sử dụng dài (30-40 năm).

Trong thực tế, nhiều máy công cụ, thiết bị (máy cái) đã qua sử dụng, có tuổi đời từ 15 năm đến 30 năm, được sản xuất từ Nhật, EU…vận hành rất hiệu quả, giúp tiết giảm chi phí (vật liệu, tiêu hao năng lượng), ổn định về chất lượng sản phẩm và thời gian sản xuất.

Nếu so sánh với việc đầu tư các máy móc, thiết bị của các quốc gia lân cận Việt Nam, chẳng hạn như Trung Quốc, tuy mới sản xuất, có giá bán có thể bằng hoặc thấp hơn so máy móc thiết bị đã qua sử dụng của Nhật, EU,… nhưng lại kém về độ bền, tiêu hao nhiều năng lượng – nguyên vật liệu và chi phí duy tu, bảo dưỡng.

Vừa qua, HAMEE đã làm việc trực tiếp với Bộ KH&CN về thông tư 23 và được Bộ xác nhận rằng thông tư này loại trừ các máy móc thiết bị được các bộ chuyên ngành quy định.

Theo HAMEE, nếu thông tư 23 của Bộ KH&CN có hiệu lực mà Bộ Công Thương không có văn bản pháp lý để xác định riêng về tuổi của các máy công cụ, thiết bị đã qua sử dụng của ngành cơ khí chế tạo được phép nhập khẩu cho ngành cơ khí thì các DN cơ khí chế tạo nói chung và ngành cơ khí sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói riêng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư phát triển sản xuất .

Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ ngành cơ khí sẽ không thể phát triển được, trong khi đây là ngành được Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ phát triển.

Vừa qua, HAMEE đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương xác định danh mục và điều kiện nhập khẩu của máy công cụ và các thiết bị của ngành cơ khí. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà Chính phủ đang rà soát các thông tư và “giấy phép con” thì đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức trong khi ngày 1/7 đã bắt đầu có hiệu lực.

Nguồn tin: Thời báo Kinh doanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TÀI TRỢ KIM CƯƠNG
LIÊN KẾT WEBSITE
Tài trợ chính
Gửi câu hỏi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây