Hội Doanh Nghiệp Cơ Khí - Điện TPHCM

https://www.hamee.vn


Đón đầu giải mã công nghệ

Muốn nhanh chóng bắt kịp được các nước phát triển về khoa học và công nghệ (KH&CN), Việt Nam cần chú trọng hoạt động giải mã công nghệ (GMCN), tiến tới làm chủ công nghệ, cao hơn nữa là sáng tạo công nghệ mới.
Giải mã thành công sẽ làm chủ được công nghệ

Lợi ích lớn

Việc nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy công cụ CNC ở Việt Nam là một ví dụ về việc ứng dụng GMCN đúng đắn. Hiện nay, sản phẩm máy CNC trong nước có giá thành giảm tới 30% so với nhập ngoại. Máy CNC có thể tự động gia công, chế tạo các chi tiết có độ chính xác cao, hình dáng phức tạp.

Thực tế, GMCN đã được nhiều nước trên thế giới chú trọng phát triển. Chẳng hạn, Singapore tạo mọi điều kiện để các hãng lớn chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư, chuyên gia trong nước. Nhờ đó, quốc gia này đã có vị trí cao trên bản đồ công nghệ thế giới.

Vai trò của GMCN đã được khẳng định, nhưng tại Việt Nam, hoạt động này vẫn còn khiêm tốn. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn thiên về nhập khẩu thiết bị, máy móc hơn là đi sâu vào phần công nghệ để nghiên cứu và tiến tới làm chủ, sáng tạo công nghệ. Các giao dịch mua bán công nghệ ở dạng tài sản trí tuệ, bí quyết công nghệ rất hạn chế. Theo báo cáo của Bộ KH&CN, giai đoạn từ năm 2010-2017, chỉ có 115 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
 


Cần chính sách hỗ trợ

Tại Việt Nam, GMCN được nhắc đến trong Quyết định số 1069/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách khuyến khích thực sự lại chưa được cụ thể hóa. Trong khi đó, việc miễn, giảm thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) nói chung và GMCN nói riêng… là chính sách đã được áp dụng tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Hơn nữa, DN nhỏ và vừa hiện chiếm tới 98% tổng số DN Việt Nam, khó có đủ điều kiện tài chính để đầu tư công nghệ. Rõ ràng, với số tiền hàng chục nghìn USD, thậm chí, hàng chục triệu USD để nhập công nghệ dưới dạng sáng chế, thiết kế, giải pháp công nghệ, bí quyết kỹ thuật, thực sự là một vấn đề nan giải đối với DN.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các phòng thí nghiệm, trang thiết bị chuyên dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao gồm đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật giỏi. Bên cạnh đó, DN, tổ chức KH&CN cần chủ động, phối hợp để xác định nhu cầu công nghệ trong nước; tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài về Việt Nam, nâng cao năng lực KH&CN để có thể GMCN. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược về GMCN đối với sản phẩm chủ lực như cơ khí chế tạo, cơ điện tử, tự động hóa công nghiệp, công nghệ thông tin… nhằm nghiên cứu, cải tiến, tạo ra sản phẩm công nghệ phù hợp.

GMCN là nền móng cơ bản nhất để Việt Nam nâng cao năng lực công nghệ nội sinh. Tuy nhiên, GMCN cần theo nguyên tắc chủ động tìm kiếm công nghệ trên thế giới có tính ứng dụng cao, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam.

Nguồn tin: baocongthuong.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây