Hội nhập TPP: Doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay tìm sự hỗ trợ

Friday - 22/04/2016 09:08
Phát biểu tại Hội thảo “Đối thoại TPP: Cơ hội nào cho Doanh nghiệp tại Việt Nam?” vừa được tổ chức sáng nay (17/3), Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng, doanh nghiệp Việt vẫn chưa nỗ lực và đang loay hoay tìm sự hỗ trợ.
 

Từ 1 tỷ USD để lên đến 28 tỷ đô kim ngạch xuất khẩu, trước mắt Dệt may là ngành phải chịu tuân thủ quy tắc xuất xứ từ sợi của TPP, và về lâu dài sẽ là đòn bẩy cho công nghiệp Dệt của VN phát triển bền vững

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: ngày 04/02/2016 vừa qua, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết, đánh dấu việc hoàn tất toàn bộ quá trình hơn 05 năm đàm phán. Việt Nam là một trong 8 nước được mời tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu tiên bởi các nhà đầu tư quốc tế luôn tin tưởng Việt Nam là một nước năng động, nhất quán thi hành đường lối mới, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam là một nước có lượng dân số cao, có nhiều tiềm năng trong việc mang lại giá trị gia tăng lớn cho các nước.

Việc tham gia các Hiệp định thương mại và có các mối quan hệ với các cường quốc lớn đã củng cố vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế. Với 12 quốc gia thành viên, TPP đang tạo ra một khu vực thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số hơn 800 triệu người (11,2% thế giới), sản lượng kinh tế tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% tổng doanh thu xuất nhập khẩu thế giới.

Dự kiến có hiệu lực từ năm 2018, Hiệp định TPP mở ra những cơ hội lớn cho cộng đồng các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, xuất nhập khẩu v.v…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, sự chủ động từ phía doanh nghiệp đối với TPP vẫn chưa cao. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đặt câu hỏi rằng “Nhà nước sẽ hỗ trợ gì cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội đón TPP”? Và “tài liệu để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đâu”…?

Theo ông Khánh, đó không phải là câu hỏi mà các doanh nghiệp nước ngoài đang hỏi. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động, cần đưa ra những phản hồi đến Nhà nước. Chính phủ có thể có định hướng sâu sát, đưa ra những chính sách có ý nghĩa thực sự là một “Nhà nước kiến tạo”.

”Nhiều DN hỏi tôi, làm thế nào để nắm bắt cơ hội trong TPP, tôi trả lời tôi không biết. Bởi họ phải cho tôi thấy họ hoạt động thế nào, họ mạnh ra sao, họ đang làm gì thì tôi mới có thể giúp họ tìm cơ hội. DN không nỗ lực mà chỉ loay hoay tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ” – ông Khánh nói.

Theo chia sẻ của ông Trần Ngọc Liêm – Phó Giám đốcVCCI chi nhánh TP HCM, trước khi TPP được ký kết, VCCI có làm khảo sát về mức độ quan tâm của DN với hiệp định. Và điều bất ngờ là có đến 66% DN Việt Nam tự tin, ủng hộ TPP, trong khi khối FDI tỷ lệ ủng hộ chỉ có 23%.

Nhưng trái với sự lạc quan, việc chuẩn bị cho hội nhập lại rất yếu. Theo thống kê, chỉ có 9% DN Việt quan tâm, đóng góp ý kiến, cũng như chuẩn bị các cơ hội tham gia thị trường. Nếu thông qua các hiệp hội thì con số quan tâm cũng chỉ đạt 50%.

Riêng khảo sát về kiến nghị, mong muốn, có 66% DN nội quan tâm, mong muốn được Nhà nước hỗ trợ; 57% mong muốn có cơ quan đầu mối  để thông tin, hướng dẫn đầy đủ về các nội dung, chính sách của TPP. Ngoài ra, số DN cho biết không quan tâm đến TPP cũng chiếm tỷ lệ lớn.

Ở góc độ cơ hội vốn qua thị trường chứng khoán, ông Trần Đắc Sinh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho biết, HoSE rất kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có nhiều thay đổi tích cực nhờ TPP.

Dựa trên nền tảng phát triển chung của nền kinh tế, chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán cũng sẽ được cải thiện đáng kể, không chỉ đối với chứng khoán của các ngành hưởng lợi như dệt may, da giày, thuỷ sản,  mà còn cộng hưởng đến các ngành phụ trợ khác. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường.

Hội thảo cũng mổ xẻ các vấn đề quản trị, trong đó sự minh bạch và liêm chính cần được đề cao– như một trong những yếu tố hàng đầu để doanh nghiệp Việt có thể nâng cao sức cạnh tranh. Đây cũng là tiêu chí mà các DN vừa và nhỏ cần hướng đến, kể cả trong quy mô và mô thức quản trị gia đình hiện tại, để qua đó cơ cơ hội học bài học của “người lớn”, đứng cạnh những “người khổng lồ”, tham gia được vào “miếng bánh” chung của thị trường.

“Miếng bánh” mà theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đang rất lớn với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng của các nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Miếng bánh không ai ăn hết một mình và cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam cùng có phần, đặc biệt nhờ TPP, còn nhiều.

Nguồn: vcci.com.vn

Total notes of this article: 0 in 0 rating

Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

Diamond Sponsors
WEBSITE LINK
You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second