Chủ tịch VCCI và ba kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ

Friday - 22/04/2016 09:02
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có ba kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để tiếp tục tạo ra đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
 
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị

Phát biểu trước hơn 200 doanh nghiệp tham gia “Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị” diễn ra mới đây, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhắc lại câu chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã là kiến trúc sư của đề án 30 về cải cách hành chính và đưa ra những chỉ tiêu cụ thể về cắt giảm thủ tục hành chính đối với tất cả các cơ quan thuộc mọi cấp chính quyền và cho đến nay thì đề án đó đang thực hiện rất tốt và tạo nên động lực trong cải cách ở Việt Nam.

Tôi nhớ một lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng việc nâng cao cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải có thời gian, phải có tiền bạc nhưng cải cách hành chính và cải cách thể chế là việc chúng ta có thể làm ngay và tạo nên sự đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh” – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho biết.

Với tinh thần đó, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI trình bày 3 kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là, cho Quảng Trị và các tỉnh thành trên cả nước xây dựng mới các trung tâm hành chính công để tập trung tất cả các dịch vụ hành chính công về một địa điểm tập trung và tất cả các cán bộ có thẩm quyền của các cơ quan có liên quan phải tập trung về đó để tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp cũng như giải quyết tại chỗ các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, một số tỉnh thành phố đã thực hiện mô hình này và đã thành công. Do đó, mô hình này thực sự là một bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận lợi và giảm bớt sự nhũng nhiễu” – ông Lộc nói.

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, hiện nay có một khó khăn trong việc xây dựng các trung tâm hành chính công đó là nguồn vốn đầu tư xây dựng và tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tỉnh thành phố đưa ra các yêu cầu về trung tâm hành chính công và đề nghị các DN thi công xây dựng, sau đó các địa phương sẽ thuê các trung tâm hành chính công này của các DN.

Nếu làm được điều này thì các địa phương sẽ có một loạt các trung tâm hành chính công để giải quyết các như cầu của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính và giải quyết được gánh nặng về đầu tư nhà nước. Việc đẩy mạnh xây dựng và vận hành các trung tâm hành chính công sẽ là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính”.

Cùng với việc xây dựng các trung tâm hành chính công, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép Quảng Trị và các địa phương khác tổ chức lại các cơ quan xúc tiến đầu tư theo hướng xây dựng các cơ quan xúc tiến đầu tư trở thành một cơ quan độc lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch UBND tỉnh và có thể do một đồng chí PCT tỉnh là trưởng ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư.

Một số tỉnh thành phố đã thực hiện mô hình này và rất thành công vì trong việc thúc đẩy xúc tiến đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng phương án thực hiện theo kiểu chỉ đạo từ trên xuống, từ người lãnh đạo cao nhất sẽ thúc đẩy rất nhanh quá trình thực hiện các dự án. Chứ còn thực hiện lòng vòng ở dưới, qua đội ngũ các cấp từ chuyên viên đến trưởng phó phòng… mới đến cấp lãnh đạo thì lâu lắm”.

Về bộ máy tổ chức các cơ quan xúc tiến đầu tư, ông Lộc cho rằng các cơ quan chuyên trách về xúc tiến đầu tư nên có đại diện doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc này và việc xúc tiến đầu tư không thể chỉ là trách nhiệm của chính quyền, của lãnh đạo tỉnh mà còn là trách nhiệm của cộng đồng DN. Cộng đồng DN sẽ góp công, góp sức vào quá trình thu hút đầu tư chứ không chỉ của các cơ quan hành chính. Bằng cách đó, công tác xúc tiến đầu tư sẽ hiệu quả hơn rất nhiề.

Cũng theo ông Lộc, để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh vì có một sự tương thích giữa số lượng DN với tăng trưởng tổng thu nhập chia bình quân trên đầu người.

Lấy ví dụ với tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch VCCI dẫn ra hàng loạt các con số như theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 2.100 doanh nghiệp với 600.000 người dân thì tính trung bình ở Quảng Trị gần 300 người dân mới có một doanh nghiệp. Trong khi đó, mức trung bình của nước ta là 180 người dân có một doanh nghiệp có nghĩa là nếu so với cả nước mức độ phát triển doanh nghiệp của tỉnh Quảng Trị chỉ bằng 70%. Đó là lý do giải thích tại sao tổng thu nhập chia theo đầu người của tỉnh cũng chỉ bằng 70% của cả nước.

Có một sự liên hệ rất chặt chẽ giữa sự phát triển doanh nghiệp, chỉ số phát triển doanh nghiệp với tổng thu nhập chia theo đầu người. Nên việc tập trung sức phát triển doanh nghiệp là yêu cầu quan trọng đối với tỉnh Quảng trị trong thời gian tới” – ông Lộc nhấn mạnh.

Riêng đối với tỉnh Quảng Trị, người đứng đầu VCCI cho biết đã hết sức vui mừng khi biết rằng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý một số chủ trương nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như bổ sung tỉnh Quảng Trị vào các tỉnh ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thiết lập khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị để hình thành khu phức hợp năng lượng tại đây, ưu tiên phát triển đảo Cồn Cỏ với những cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế xã hội kết hợp với an ninh quốc phòng.

Về thu hút đầu tư, Quảng Trị cũng có một số dự án lớn đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như dự án Dự án xây dựng Cảng biển Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, dự án Nhà máy Nhiệt điện công suất 1.200 MW với tổng mức đầu tư 47.960 tỷ đồng đang được các nhà đầu tư nước ngoài là Thái Lan, Hàn Quốc quan tâm nộp thủ tục xin đầu tư. “Tôi nghĩ nếu các dự án này thành công và đưa vào thực hiện trong thời gian tới sẽ góp phần tạo nên đột phá trong thu hút FDI thời gian tới”.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng lưu ý với Quảng Trị rằng: Sự hỗ trợ của Trung ương và sự quan tâm của các nhà đầu tư FDI mới chỉ là một mặt của vấn đề bởi suy cho cùng yếu tố quyết định đến sự phát triển của tỉnh chính là sự phát triển mạnh mẽ và dự quan tâm của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và chính quyền tỉnh cần nỗ lực đặc biệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng này để tạo thuận lợi cho DN phát triển ở tỉnh, đầu tư về tỉnh.

Theo hướng này, tôi đánh giá rất cao những quyết sách quan trọng của tỉnh trong thời gian qua như Đảng bộ tỉnh đã lấy năm 2016 là năm cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thường vụ tỉnh ủy đã thông qua đề án đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020 và đã đặt ra mục tiêu phải thăng hạng PCI 5 đến 10 bậc và đến năm 2019 – 2020 thì PCI của tỉnh phải xếp vào nhóm 20 các tỉnh thành phố dẫn đầu PCI cả nước và tôi thấy rằng đây là quyết tâm rất cao, mang lại kỳ vọng cho cộng đồng doanh nghiệp”.

Theo ông Lộc, với vị thế kinh tế quan trọng của mình, sắp tới Quảng Trị sẽ không chỉ là điểm kết nối của chúng ta trong hành lanh kinh tế Đông Tây mà còn là điểm kết nối giữa khu vực tự do TPP và khu vực mâu dịch tự do Việt Nam – EU với Asean, với tiểu vùng sông Mê Kông. Cho nên, với vị trí tiếp nối như vậy vị thế của Quảng Trị không chỉ có ý nghĩa ở Việt Nam mà còn là cả thế giới cho nên việc đầu tư vào Quảng Trị sẽ có lợi thế rất lớn về dài hạn dù trước mắt có thể gặp khó khăn.

Theo ông Lộc, việc đầu tư vào Quảng Trị không chỉ là sự tính toán của trí óc về việc kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận mà còn là mệnh lệnh của trái tim, một sự tri ân của chúng ta đối với những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc. “Và tôi tin Quảng Trị từ một điểm chia cắt của chiến tranh sẽ trở thành một điểm kết nối của thời bình, kết nối Việt Nam – thế giới và Quảng Trị sẽ trở nên giàu mạnh” – Tiến sĩ Lộc khẳng định.

Nguồn: vcci.com.vn

Total notes of this article: 0 in 0 rating

Click on stars to rate this article
Diamond Sponsors
WEBSITE LINK
You did not use the site, Click here to remain logged. Timeout: 60 second